Thực trạng khó tin nhưng đang diễn ra
Đầu mùa hè năm nay, tại nhiều nơi ở miền Bắc, doanh nghiệp phải dừng sản xuất vì bị cắt điện. Có nơi buộc phải cho lao động nghỉ việc buổi chiều sau khi nhận thông báo cắt điện từ 11h đến 16h30. "Được thông báo trước nhưng điện bị cắt hơn 6h ảnh hưởng tới sản xuất, lịch giao hàng cho đối tác", một vị quản lý cho hay.
Sinh hoạt của người dân cũng gặp vô số bất tiện. Nhiều người chọn di chuyển tới các trung tâm thương mại, hàng quán để tránh nóng. Trẻ con và người già là khổ nhất khi nhà bị mất điện, đặc biệt là trong mùa nắng nóng này, nhiệt độ ban ngày tăng cao, vô cùng ngột ngạt. Một số căn bệnh theo mùa đã xuất hiện…
Ngay tại thủ đô, các tối gần đây được người dân ví như đang trong những ngày thực hiện "Giờ Trái đất". Mới 19-20h, hệ thống chiếu sáng vườn hoa, vỉa hè và quanh hồ đã tắt gần hết. Thậm chí nhân viên điện lực còn phát loa kêu gọi người dân thực thi tiết kiệm điện, kiểu như “hãy chung tay với EVN” vậy.
Nhưng sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ mới là điều đáng ngại nhất. "Cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 giờ mà cả ngày lẫn đêm nên ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, kinh tế xã hội. Việc thiếu điện như vậy rất đáng lo", bà Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nói bên hành lang Quốc hội chiều 5/6/2023.
Ở tầm vĩ mô, doanh nghiệp FDI thấy hạ tầng yếu là họ không tới, kinh tế đi lùi ngay. Cơ sở hạ tầng đáp ứng ổn định sản xuất là yếu tố cần để các nhà đầu tư đặt chân đến.
Vì đâu thiếu điện
Lý giải ban đầu, là do tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng nhưng nguồn điện cung ứng lại không theo kịp. Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Nhưng điểm khác biệt năm nay là thủy điện - chiếm khoảng 43% cung ứng điện tại miền Bắc (tính đến tháng 5) - giảm huy động do thời tiết cực đoan, các hồ thủy điện lớn cạn nước.
Lý do khác là một số tổ máy nhiệt điện than - chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc - bị giảm công suất hoặc gặp sự cố.
Không chỉ vì nắng nóng, mà suốt nhiều năm qua, miền Bắc không có thêm các nguồn điện mới, dù việc thiếu điện đã được dự báo. Nên theo các chuyên gia, "thủ phạm" không thể chỉ là thời tiết, sự cố.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình bình luận, việc 5-6 năm hệ thống, đặc biệt là miền Bắc, không có thêm các nguồn điện lớn có tính ổn định, chạy nền khiến tình trạng cấp điện ngày càng theo kiểu "ăn đong", “tới đâu tính tới đó”.
Năng lực của hệ thống truyền tải cũng là một vấn đề, gây sức ép hơn tới cung ứng điện tại miền Bắc.
Hiện EVN chiếm hơn 38% sản lượng điện cung ứng cho toàn hệ thống, phần còn lại đến từ các nhà máy của PVN, TKV và một số nhà máy BOT, nguồn điện tái tạo tư nhân.
Giải pháp cho tương lai
Nếu hiểu rõ nguyên nhân tại sao thiếu điện, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, tương lai của nguồn năng lượng này sẽ càng nhiều trắc trở…
Bởi điện này đến từ nguồn năng lượng không được tái tạo, ngày càng cạn kiệt và đắt đỏ. Cúp điện luân phiên cũng khó giải quyết tận gốc các vấn đề thiếu hụt.
Lo thiếu điện, Bộ Công Thương, EVN kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện tối đa. Nhưng đây càng không phải biện pháp ổn định về lâu dài.
Do đó, việc đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện, theo các chuyên gia, là cần kíp. Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt sau gần 4 năm xây dựng và gần hai năm trình, sửa nhiều lần của Bộ Công Thương. Đây là cơ sở để các dự án nguồn, lưới điện triển khai. Thông thường quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án mất vài năm, vì thế chuyên gia Nhật Đình cho rằng, nhà chức trách cần đẩy nhanh các dự án nguồn điện và lưới để tránh nguy cơ "cứ tới mùa khô hệ thống điện lại rơi vào cảnh phụ thuộc thời tiết như hiện nay".
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng kế hoạch hành động vẫn đang xây dựng. Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch này, cần chủ động đẩy nhanh ban hành.
Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới đạt 2.600 MW đến 2030. Loại nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
EVN trong các kiến nghị gần đây gửi Bộ Công Thương đều kiến nghị cơ quan này sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, tức tự dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Đây cũng là một trong số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện 2023 và các năm tiếp theo.
XH phát triển trước đi xe đạp rồi xe máy, ô tô giờ đi xe máy điện, ô tô điện. Trước dùng ga đun nấu, chạy quạt giờ dùng bếp từ, chạy điều hòa. Tất cả đều cần có nguồn điện ổn định, bền vững, đặc biệt là giá thành rẻ.
Thay vì thế, hãy chủ động tìm đến các nguồn điện thay thế khác ngay từ hôm nay, vì chính mình và vì tương lai của tất cả chúng ta.