Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh được đầu tư 900 tỷ đồng

  1. 2020/03/06
Tổng giá trị hợp đồng tương đương 900 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2020, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh, với công suất 45MWp.

Ngày 2/3, Công ty Cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với liên doanh đối tác Sharp-NSN để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận). Dự kiến, khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2020, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh, với công suất 45MWp, gồm hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời và một trạm biến áp 40MVA.

Hợp đồng EPC dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh có tổng giá trị tương đương 900 tỷ đồng, bao gồm vốn của Tập đoàn T&T Group và vốn huy động từ các nguồn tài chính khác, trong đó có sự hỗ trợ từ ngân hàng HD Bank.

Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh sử dụng các tấm pin quang điện (Sharp) công suất 395Wp/tấm; hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao (98%); máy biến áp nâng áp 110kV-40MVA do liên doanh Sharp-NSN cung cấp. Hiện nhà máy đã hoàn thiện mặt bằng xây dựng, sẵn sàng lắp đặt thiết bị để nhà máy đi vào vận hành đúng tiến độ. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành toàn bộ và đi vào vận hành từ tháng 6/2020.

Phối cảnh Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh.

Liên doanh Sharp-NSN là một trong những nhà thầu đã thực hiện những hợp đồng EPC cho các dự án điện mặt trời lớn tại Việt Nam như: Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1 (47MWp), Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên (50MWp), Nhà máy điện mặt trời HaCom (50MWp) và nhiều dự án khác.

Trước đó, tháng 4/2019, Công ty Cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận và Công ty Mua Bán Điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã ký hợp đồng mua bán điện. Theo đó, Công ty Cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận sẽ bán điện cho EVN với giá bán được áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Việc T&T Group và các đối tác đầu tư 900 tỷ đồng vào Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh, dự kiến tháng 6/2020 đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh, với công suất 45MWp, gồm hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời và một trạm biến áp 40MVA.

Riêng tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai. Công suất phát điện của nhà máy điện Phước Ninh đã được tính trong công suất 2.000MW điện mặt trời của tỉnh Ninh Thuận.

Tập đoàn T&T Group là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, đối với lĩnh vực năng lượng, T&T Group định hướng tập trung đầu tư dài hạn cho các dự án giàu tiềm năng trong cả nước. Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, trong nhiều năm qua và thời gian tới Tập đoàn T&T Group đã và sẽ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển các dự án nguồn điện, đặc biệt là năng lượng sạch.

Theo Baomoi