Nhắm nhìn những công trình năng lượng xanh ấn tượng trên thế giới

  1. 2020/04/14
Cuộc sống xanh, tiện ích và hiện đại là mục tiêu mà con người hướng đến. Do vậy, nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện địa nhiệt… ngày càng được đề cao trong cuộc sống hiện đại. Bên cạnh việc cung cấp năng lượng, những nguồn năng lượng mới này còn là khởi nguồn cho sự sáng tạo của nhiều công trình kiến trúc độc đáo trên khắp thế giới.

BedZED - khu nhà ở bền vững sáng tạo ở Anh

BedZED được thiết kế để có thể đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về môi trường, với sự nhấn mạnh vào các tấm pin mặt trời và những chiếc phễu đón gió nhiều màu sắc. Được biết, BedZED sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời cho chiếu sáng vào ban ngày, và những tấm pin mặt trời nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và tái chế nước thải của tòa nhà. Hệ thống quạt thông gió được vận hành từ nguồn gió tự nhiên, thay vì điện, từ những chiếc phễu đón gió độc đáo trên nóc khu nhà.

Tòa nhà Federal Center South Building 1202 – một trong những công trình xanh tốt nhất năm tại Mỹ

Federal Center South Building 1202 là tòa nhà văn phòng được xây dựng trên khu đất công nghiệp lâu đời nằm bên bờ sông Duwamish Waterway. Tòa nhà được thiết kế với các vách ngăn lửng, hành lang lối các khu chức năng vào sân trong thoáng đãng và mặt ngoài hoàn toàn bằng kính để đón nhận ánh sáng mặt trời. Ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa, cho phép giảm 61% năng lượng sử dụng của đèn điện ban ngày.

Các tấm tản hơi nhiệt dùng nước kết hợp quạt gió được sử dụng để vận hành hệ thống làm mát và sưởi ấm trong nhà. Hệ thống bơm nhiệt từ lòng đất (GSHP), với các ống nước được tích hợp vào 135 cọc móng, kết hợp với một bể chứa muối eutectic biến đổi pha (PCM) và một bộ thu hồi nhiệt chịu trách nhiệm cung cấp nước lạnh 17⁰C và nước nóng 49⁰C cho công trình. Các bể PCM hoạt động tương tự như hệ thống bơm nhiệt từ lòng đất, nhưng theo chu kỳ ngày đêm chứ không theo mùa, giúp lưu trữ và điều hòa nhiệt.

Nước mưa được thu hồi về một bể nước ngầm dưới công trình với sức chứa 95m3 nhằm tái sử dụng trong nhà vệ sinh, tưới tiêu cho cây trồng và sử dụng cho thiết bị giải nhiệt của công trình. Chiến lược sử dụng nước tại chỗ này đã làm giảm 79% lượng nước sử dụng so với qui định trong thiết kế năng lượng và môi trường của Mỹ.

Con đường thu năng lượng từ bước chân theo nguyên lý điện áp

Con đường nhỏ với tên gọi Pavegen ở khu vực trung tâm West End (London, Anh) đã chuyển thành một đoạn đường thông minh với diện tích 10m2, có khả năng hấp thụ năng lượng từ những bước chân.

Điện năng con đường này thu được dùng để thắp sáng đèn đường và phát âm thanh như tiếng chim hót ngay trong khu vực. Đặc biệt, với khả năng kết nối thông qua bluetooth, người đi bộ có thể kiểm tra xem bước chân của mình đã tạo được bao nhiêu năng lượng sạch. Hơn nữa, thành tích tạo năng lượng của người đi bộ còn được chuyển hóa thành thẻ tích điểm, sẽ được giảm giá khi mua hàng tại các siêu thị liên kết.

Nhà máy điện thủy triều quy mô lớn đầu tiên trên thế giới

MeyGen, nhà máy điện sử dụng năng lượng thủy triều quy mô lớn đầu tiên trên thế giới tại eo biển Pentland Firth (Scotland) chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9/2016. Năng lượng được cung cấp từ các turbine có chiều cao khoảng 15 m với đường kính cánh quạt 16 m, khối lượng 200 tấn. Các turbine này bắt đầu được lắp đặt và vận hành tại vùng biển ngoài khơi phía bắc Scotland, giữa Caithness và Orkney. Khi hoàn thiện, nhà máy có tổng cộng 269 turbine, công suất lên tới 398 MW, đủ để cấp điện cho 175.000 hộ gia đình.

Nhà máy điện địa nhiệt khổng lồ ở Mỹ

Nhà máy phát điện địa nhiệt khổng lồ từ hơn 350 giếng khoan trong lòng đất Geysers, nằm trên dãy núi Mayacamas thuộc miền Bắc bang California, Mỹ. Geysers được coi là tổ hợp công trình lớn phức tạp nhất thế giới, bao gồm 22 nhà máy điện địa nhiệt, sử dụng hơi nước nóng từ hơn 350 giếng khoan trong lòng đất để chạy các turbine phát điện với công suất đạt 1.517 MW, cung cấp điện cho 1,1 triệu người.

Nhà máy phát điện từ sóng biển Scotland

Limpet (Scotland) - nhà máy điện sóng kết nối lưới đầu tiên trên thế giới - đã tận dụng nguồn năng lượng sóng biển dồi dào từ đại dương để tạo ra nguồn điện sử dụng cho cư dân trên đảo.

Máy phát điện bao gồm bộ thu năng lượng sóng biển và một bộ chuyển tải năng lượng sóng biển thành điện năng. Bộ thu được xây nghiêng vào mặt đá trên bờ biển với kích thước đủ lớn để hấp thụ nước biển đi vào và thoát ra khỏi buồng dẫn khí trung tâm, quá trình đó sẽ làm quay turbine và tạo ra điện.

Theo NLsachvietnam