Trong số đó, 96 tỷ USD được dành cho xây dựng các nhà máy điện mới và 37,3 tỷ USD để mở rộng mạng lưới điện. Chính phủ Việt Nam cho biết thêm, nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước sẽ tăng trung bình 8,6%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030.
Khoản đầu tư lớn nêu trên sẽ giúp nâng tổng công suất lắp đặt lên 138 GW vào năm 2030 so với 56 GW hiện nay. Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển điện năng lần thứ 8, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 10 tới. Theo dự thảo ban đầu, Việt Nam sẽ gia tăng tỷ trọng điện gió, điện mặt trời và điện khí (sử dụng nhiên liệu LNG) trong cơ cấu các nguồn điện năng và giảm tỷ trọng nhiệt điện than.
Đối với tình trạng thiếu điện, Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang phát triển năng động hàng đầu châu Á. Tài nguyên thủy năng gần như đã được khai thác hết, lâm vào cạn kiệt trong khi sản lượng khai thác dầu khí trong nước đã đạt đỉnh. Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận đã bị hủy bỏ vào năm 2016.
Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ phải nhập khẩu 1,2 triệu tấn LNG và 35,1 triệu tấn than mỗi năm cho các nhà máy điện vào năm 2025. Trong giai đoạn 2030, sản lượng nhập khẩu sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn LNG/năm và 45 triệu tấn than/năm.
Theo Petro/ Reuters